LỜI BÌNH CHO CHUYẾN ĐI “TRÊN CON ĐƯỜNG DI SẢN MIỀN TRUNG"
Thế là chúng tôi - những người ở thế hệ mà kẻ trước người sau, nhưng đều đã không không phải xấu hổ về những tháng năm mình đã sống và làm việc, đã có một chuyên đi “Trên con đường Di sản Miền trung” nhân ngày Lễ của Dân tộc (30 – 4 ) đầy thú vị, nhờ sự quan tâm của Lãnh đạo Cty Lilama 45.1- một sự ghi nhận công lao đầy tính nhân bản và nhân văn dành cho chúng tôi. Đoàn chúng tôi nôm na gọi là hưu trí và tiền hưu trí.
Gặp nhau hồ hởi, tay bắt mặt mừng, bởi qua bao năm tháng về với đời thường, cái bắt tay ngày nay không còn là cảm giác bon chen nữa, mà là những cái xiết tay chân thành xác nhận niềm vui đích thực về sức khoẻ dành cho nhau của những ông nội, bà nội, ông ngoại,bà ngoại.
Chuyến xe xuất phát từ VP Cty chở trên đó một thành phần phong phú và đa dạng về cuộc đời mà những hành khách trên xe đã, đang và sẽ đi qua gắn liền với những thăng trầm của đất nước, bởi trong đó có những người đã từng một thời “ xẻ dọc trường sơn đi cứu nước “ và nay lại cùng bạn đồng hành đã và đang xẻ dọc trường sơn đi dựng xây đất nước
Xe bon bon đưa chúng tôi về phương Bắc, nơi một thời trai trẻ ra đi vào cuộc trường chinh, hay dựng lại cơ đồ sau khói lửa. Thành phố Phan Thiết đây rồi! Mảnh đất Nam Trung bộ cuối cùng – nơi phôi thai của tư tưởng cứu kiếp lầm than của chàng trai yêu nước Nguyễn Tất Thành, nơi có lầu Ông Hoàng - chứng kiến mối tình trắc trở Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm - một tài năng thơ phú nhưng sớm bạc mệnh, nơi của những cánh đồng thanh long bất tân, đặc biệt là thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế xuất khẩu cao. Bữa cơm đầu tiên của chặng “đua xe” thứ nhất, ( chúng tôi gọi đùa đây là cuộc đua xe, vì theo chương trình tour, 3 ngày đầu chỉ có chạy và chạy mà chưa thăm thú cái gì hết). Bữa cơm của những người đã lui vào “hậu trường” không còn ồn ào như xưa nữa, nhưng vẫn có những âm thanh leng keng của li rượu đế do anh Nam, anh Quảng - Trưởng, phó đoàn mang theo ( thành thật thì rất cảm ơn sự chu đáo của các anh, nhưng chúng tôi vẫn đùa với nhau rằng, nếu không có cái nước cay cay đó thì chính các “bố” cũng không chịu được, nhất là “bố” Quảng). Bữa ăn mang màu sắc và hương vị của một đại gia đình, bởi sự hiện diện thành phần giới tính và thế hệ của nó (có nam, nữ ) chỉ có thiếu tiếng cười con trẻ, chúng tôi tự hỏi nhau không biết đến khi nào mới có lại khung cảnh này! .
Cà Ná - một địa danh mà âm thanh của nó, nghe đã nhuốm màu sơn cước, nhưng thiên nhiên lại như cố dung hoà sự tương phản giữa núi đá khô cằn và biển khơi mềm mại thành sự hài hoà độc đáo tự nhiên của tạo hoá, nơi ba luồng giao thông: Thuỷ, bộ và đường sắt gặp nhau, (duy nhất chỉ ở đây mới có). Đoàn tạm dừng chân để phóng tầm mắt ra biển, những tấm hình tập thể, những cảnh quay thiên nhiên đầu tiên được thực hiện.
Ta thầm cảm ơn Vương quốc Chăm pa xưa đã sản sinh ra những nghệ nhân tài hoa với những kiệt tác đền tháp của họ để lại cho hâu thế nằm rải rác dọc con đường Di sản Miền Trung. Ta cũng không khỏi trầm trồ trước những cô gái Chăm duyên dáng với những ché nước trên đầu rảo bước về bản làng uyển chuyển như những nghệ sĩ trên vòm xiếc, bóng họ đổ dài bên vách núi buổi hoàng hôn để lại phía sau những xao xuyến, ngẩn ngơ của cậu hướng dẫn viên (HDV) và các “bác” tài ở độ tuổi “tam thập nhi lập”.
Nha Trang – Nơi có một trong những vịnh đẹp nhất trên Thế Giới. Hơn 40 km đường ngoằn ngoèo bên triền núi dọc bờ biển từ Cam Ranh đến Trung tâm Thành phố (mặc dù đã có QL1// với nó) quả là một sự chiều lòng du khách, một sự năng động và một khai thác lợi thế đáng ghi nhận của ngành công nghiệp không khói của tỉnh Khánh Hoà, bởi trên con đường đó là toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhất. Ông mặt trời lười biếng khuất dần sau đại dương, nhưng chúng tôi vẫn háo hức ra biển để trút đi bụi đường và mệt mỏi sau khi đã chinh phục 450 km đầu tiên, bác “phó nháy” Quí tỏ ra là người có sức bền tốt nhất đã kịp ghi lại khoảnh khắc biển lúc màn đêm buông xuống. Bữa cơm tối đậm đà đặc sản biển với những nồi “lẩu chè” tôm cá (vì quá ngọt) và những trái ớt xanh “đồng bộ ”(nguyên cả quả và cuống) như một lời nhắn nhủ “nhập gia tuỳ tục” với khách phương Nam về văn hoá ẩm thực của người Miền Trung mến khách trong cả chặng đường Di sản còn lại. Một đêm bình yên đã đi qua với nhiều cảm xúc trong môi trường đồng đội mà nhiều năm qua nay mới có được.
Tạm rời thành phố biển Nha Trang, đoàn lên đường đi Quảng Ngãi. Từ khánh hoà sang Phú Yên địa hình khá hiểm trở, nhưng có nhiều phong cảnh nên thơ. Qua đèo cả, đoàn tạm nghỉ tại một điểm dừng chân trên “phố” cá ngựa sống, lại “cầu được, ước thấy” của “lão” Quảng rồi, phong cảnh ở đây cũng đáng ghi nhận lại. Trong lúc mọi người ngắm cảnh non xanh, nước biếc, thì vợ chồng anh Quảng loay hoay giải quyêt vấn đề “trên bảo, dưới không nghe” với mấy chú cá ngựa,cũng là để không bị “nghỉ hưu toàn phần” mà! Lên xe, anh Bình Ytế nói đùa: “ông Quảng là một người khoẻ tám người vui”, cả xe cười sảng khoái.
Xe đang ngon trớn trên địa bàn Bình Định, “Bình” nhưng không yên, không “Định” thì lại bị, xe bể ruột, nhưng không sao, chỉ là kỷ niêm nhỏ của chuyến đi thôi mà, anh Ngôn (nguyên là đội trương đội sửa chữa) tưởng có cơ hội thể hiện máu nghề nghiệp, nhưng thôi, nhoằng một cái đã kết thúc màn phối hợp ngoạn mục giữa nhà xe và nhà sửa chữa, xong rồi, xe ta lại “bon bon trên những chặng đường…”.
Quảng Ngãi - Nơi có một Sơn Mỹ trải qua cuộc thảm sát dã man, tang tóc của Mỹ-ngụy, nhưng nay đang trỗi mình kỳ diệu với khu kinh tế trọng điểm Miền Trung, trong đó có nhà máy lọc dầu Dung Quất đầu tiên lớn nhất Đông Nam Á, được xây dựng lên bởi mồ hôi và cả máu của những người thợ Lilama, trong đó có 45.1, và trong lao động sáng tạo đã nảy sinh ra những vần thơ nôm na, nhưng toát lên đầy đủ phẩm chất và năng lực của những người thợ Lắp máy: “ Dân lắp máy lắp đâu được đấy, chưa cần Hợp đồng đã đưa máy thi công, mặtbằng em có sẵn là xong, tự thiết kế, thi công anh làm được hết, cần cẩu nà hiện đại lắm em ơi, cần thò thụt vươn xa cũng tới, khi em cần thì cho cẩu ngẩng lên, lắp xong rồi thì cho cần thụt xưống, các loại máy, máy nào cũng lắp, thế mới là lắp máy Việt Nam”.
Qua địa phận Quảng Ngãi và đêm ngoại ô thành phố, để lại trong lòng chúng tôi một cảm giác buồn vui lẫn lộn, bởi mảnh đất chịu nhiều đau thương ngày nào, nay người dân nơi đây trong cái đi lên vẫn còn bàng bạc hình ảnh “một nắng hai sương” trong cuộc mưu sinh đầy vất vả mà những người con xứ Quảng nhập cư vào thành phố Sài Gòn hành đủ thứ nghề cũng là những đại diện. Hy vọng rằng, “sau cơn mưa trời sẽ sáng hơn…”
Chuyến đi kiểu “ăn chơi” đối với con dân 45.1 thuộc dạng “xưa nay hiếm” đã bước sang ngày thứ 3 : Quảng Ngãi - Quảng Bình. Giữa hai đầu chữ “Quảng”có một địa danh mà khi cất lên âm thanh đó, cả nhân loại yêu chuộng hoà bình đều thấy trước mắt mình một khung cảnh bi tráng như đang hiện hữu, mặc dù cuộc chiến đã lùi xa gần 40 năm : Thành cổ Quảng Trị - 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tính ác liệt của nó thì đã có khá nhiều giấy mực nói rồi, các văn, thi sĩ thì nói: Các Anh chiến đấu vì chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ, còn chúng tôi- những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp đi qua cuộc chiến thì suy nghĩ giản đơn : Vì sự sinh tồn của Dân tộc, trong đó có chính mình và gia đình mình. Phía bờ sông Thạch Hãn, một Bia Tưởng niệm được dựng lên, trên đó, những lời nhắn nhủ với muôn đời thế hệ mai sau của những đồng đội của các Anh may mắn hơn sống sót trở vể, những lời khẩn cầu sao mà nghe nao lòng thế :
" Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó Bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"
Vâng! Thắp cho các Anh nén nhang trong lòng thành kính, cầu cho linh hồn các Anh siêu thoát, chúng tôi, những hạt cát nhỏ nhoi trong đời, nhưng xin hứa sẽ làm tất cả để các Anh được trở về trong vòng tay ấm áp của gia đình, đồng đội, trong lòng Dân tộc, dù cho đến bao giờ, nhưng đó là niềm tin bất diệt.
(Đáng tiếc, anh Nguyễn Quang Hào : PTGĐ, CTCĐ Cty - một chứng nhân Lịch sử của chiến dịch này, vì bận công tác đã không hiện diện ở đây được, để cùng thắp nhang và tưởng nhớ)
Tạm biệt các Anh Hùng Liệt sĩ nhé!
Chúng tôi đang ở “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”- tựa đề một bộ phim truyện Đất nước thời chia cắt. Sông Bến Hải thì sẽ vĩnh hằng, vì nó là di sản thiên nhiên, còn cầu Hiền lương, Cột cờ , vọng gác, Nhà Bảo tàng, Bia khắc câu nói nổi tiếng của Bác Hồ về ý chí thống nhất và những vật chứng khác có lẽ cũng sẽ tồn tại lâu dài dưới chế độ này. Xem lại Di tích mới thấy sự ngăn cách của lòng người(ở cả hai chiến tuyến, miễn bàn về chính trị ở đây) mới thật đáng sợ, bởi chiều rộng con sông Bến Hải vào mùa nước ròng có lẽ chỉ hơn trăm mét đường bơi, mà hai miền Nam - Bắc phải đi ròng rã 21 năm trời, bờ Bắc nói lớn, bờ Nam đã nghe, mà nhạc sĩ Hoàng Việt đã phải nhờ làn sóng điện nói chuyện với người thân qua ca từ của bài hát Tình ca, có những người vợ ở bờ Nam ngày nào cũng ra sông giặt mỗi bộ quần áo hàng tiếng đồng hồ để ngóng sang bờ Bắc, có bà nội trợ ở bờ Bắc đi chợ qua bờ Nam vào trước giờ hiệu lực của cái ngày nghiệt ngã 20-7-1954 không về kịp, đã phải ở lại bờ Nam đằng đẵng 21 năm ròng. Tất cả, tất cả đã nói lên nỗi đau và cay đắng của sự phân ly, vì vậy, khát vọng thống nhất và giá trị thống nhất ngày nay là không thể cân đong, đo đếm được.
Không còn chia cắt nữa, xe chúng tôi băng qua cầu mới Hiền Lương trực chỉ Quảng Bình. Ồ! Quảng Bình thật rồi, vì xe chạy qua tấm biển ghi dòng chữ : “Welcome to Quang Binh City”,nhưng hai bên đường vẫn thẳng tắp những cánh đồng khoai lang thì đúng là Quảng Bình “khoai khoai toàn khoai” rồi còn gì nữa! . Đùa vậy thôi, chứ phải thừa nhận Thành phố Đồng Hới là một trong những đô thị có quy hoạch đẹp nhất cả nước, cũng dễ hiểu thôi, vì nó được mọc lên vào thời hội nhập và mở cửa từ đống đổ nát hoang tàn của cái gọi là “cho Miền Bắc XHCN trở về thời kỳ đồ đá” của Mỹ những năm của thập niên 60-70. Đón chúng tôi trước cổng khách sạn là một người đàn ông ở đoạn giữa của thanh niên và trung niên trong trang phục áo sơ mi quần tây(bỏ ngoài quần), dép lê, sau này chúng tôi mới biết là bảo vệ, vì anh không cân đai, mũ mão “hoành tráng” như ở Sài gòn, thông cảm thôi! môi trường, quy mô khách sạn, và giá trị thương mại ở đây khác nhiều mà!
- Các anh ở ngoài nớ mới vô hỷ, anh hỏi, ( vì anh nghe chúng tôi nói toàn giọng Bắc)
- Không! Chúng tôi từ Miền Nam ra, anh Vĩnh trong đoàn trả lời.
Thú thật, tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê ”cá gỗ”, nhưng cũng bị mất gốc khá nhiều, trong đó có một phần đời trong binh nghiệp, rồi sau này vì bát cơm, manh áo, tôi tha hương xứ người, kể cả ở nước ngoài cần học ngoại ngữ, cái chất giọng Miền Trung vì thế không còn nguyên vẹn nữa, nay nghe lại giọng Quảng Bình, cũng không khác chất giọng quê tôi là mấy, thậm chí còn êm ái, nhẹ nhàng hơn, tôi thấy ấm lòng như đang ở nhà tôi vậy. Nhớ lại mùa hè dữ dội năm 72 ở Quảng Trị, khi tôi là điện báo viên dẫn môt trung đoàn xe tăng vào tăng cường cho chiến dịch, cuối cuộc hành quân, trú tại một gia đình ở Bố Trạch, và tôi đã thoát chết trong gang tấc nhờ bọ ( Quảng Bình gọi bố là bọ) dúi xuống căn hầm khi bị pháo kích từ ngoài biển, (dân Quảng Bình có phản xạ tránh pháo kích rất hay ),qua cơn bĩ cực, cả dân và lính giải quyết cái dạ dày bằng một nồi khoai lang sao mà ấm tình Quân-Dân thế. Bữa cơm tối nay tại nhà hàng do tour đặt, cũng chẳng sơn hào hải vị gì đâu, mà chỉ là cá tôm xứ sở, nhưng hương vị đã mang đậm chất “Bắc Kỳ”, bùi ngùi nhớ lại “bát cơm sẻ nửa, quả cà cắn đôi” của một thời đạn bom! dĩ nhiên, ta không mong ngày đó trở lại.
Ngày mai chúng tôi đi Phong Nha - Kẻ Bàng - Di sản Văn hoá vật thể Thế giới đã được Liên Hợp Quốc công nhận. Sau mưa bom bão đạn, rồi bao năm tháng bộn bề sau cuộc chiến, cái xứ sở “ chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình “ của Mẹ Suốt rồi cũng đến lúc phải được hưởng thụ giá trị văn hoá tinh thần mà thiên nhiên ban tặng, như một sự tưởng thưởng cho “gái có công, chồng không phụ”, mà đâu chỉ phải riêng Quảng Bình, mà là cho cả nước và Thế giới. Xuống bến thuyền máy, những hưu trí-cựu chiến binh ồ lên khi nhận ra bến phà Xuân Sơn bên bờ Tây – Nhiều lần Anh hùng thời chinh chiến, giờ chỉ còn lại một đoạn đường ngắn xuống bến, cỏ mọc um tùm. Dòng sông Son giờ đây yên ả, hiền hoà, nước trong xanh ngắt như được hồi sinh lại sau những cơn phong ba bão táp. Vẻ đẹp của cảnh vật hai bên bờ sông có lẽ phải nhờ đến giới văn nghệ sĩ mới nói lên hết được. Chúng tôi đang chiêm ngưỡng vẻ hoang sơ của động, bức tranh toàn cảnh được tạo nên ở đây là kết quả của sự lao động cần cù,bền bỉ của những giọt thạch nhũ từ vòm động rơi xuống qua hàng trăm triệu năm. Nẩy ra một tranh luận nho nhỏ khi xem các cảnh của tạo hoá: người thì bảo giống cảnh thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh,kẻ lại nói không phải, đây là cảnh sinh hoạt ở một làng quê nào đó…, không, sẽ không có kẻ đúng người sai ở đây, bởi vì đúng, sai là do trí tưởng tượng của từng người, có một điều chắc chắn ai cũng phải thừa nhận, kể cả du khách nước ngoài, đó là, lâu đài thiên nhiên này không giống với bất kỳ một phong cách kiến trúc nào của Thế giới và các kiến trúc sư tài ba đến đâu, dù có bị chạm niềm kiêu hãnh nghề nghiệp đến thế nào cũng phải “bó tay chấm com” với tính siêu đa dạng của công trình này.
Ra khỏi cửa động, ngồi uống nước bên quán giải khát và mua một vài món quà lưu niệm. Nhìn những chiếc nón bài thơ xinh xắn, tôi chợt nhớ bài thơ đồng đội đọc cho tôi ngày nào “ Khi đính hôn là chiếc nón đội đầu, trên chiếc nón là bài thơ yêu dấu, dẫn em đi từ ngoại ra về, chiếc nón ấy là lời thề danh dự……”. Thế mới biết, đến Quảng Bình, nếu chỉ biết danh lam, thắng cảnh thôi, mà chưa biết nón Bài thơ Ba Đồn thì thật là thiếu sót. Nửa ngày trôi qua với Di sản này cũng đáng “đồng tiên bát gạo” rồi.
Tạm biệt Quảng Bình nhé!, đoàn lại quay về với mảnh đất mà mỗi người dân phải gánh chịu 3 tấn bom đạn trong những năm tháng bi thương mà anh dũng - Quảng Trị. Nghĩa trang Trường sơn lớn nhất cả nước không phải chỉ đơn thuần về diện tích (các số liệu cụ thể về Nghĩa trang, chúng tôi không dám “lấn sân” của các nhà khoa học xã hội và nhân văn), mà chỉ thấy bằng trực quan, nơi đây yên nghỉ hàng ngàn ngàn Anh hùng Liệt sỹ từ khắp mọi miền Đất nước. Thật đau lòng khi có những ngôi mộ mà trên bia chỉ vỏn vẹn một dòng chữ lạnh lùng “Vô danh”, không! Không có bất kỳ ai đang sống có lỗi trong việc này, bởi vì có cả nghìn lẻ một tình huống khi Anh ngã xuống dẫn đến việc không lưu giữ được giấy tờ gì. Thôi thì Anh là con em của cả Dân tộc Việt Nam vậy. Thời điểm các Anh nằm xuống có khác nhau qua thông tin trên bia mộ, đến nay đã trên dưới nửa thế kỷ trôi qua, nhưng khi được quy tập về đây, các Anh đều đuợc chăm chút bằng lòng tri ân của cả Dân tộc, tuy nơi yên nghỉ cuối cùng của các Anh chưa được xứng tầm lắm, nhưng cùng với việc tái thiết Đất nước từ những bữa cháo bữa rau thì đây cũng đã là một nỗ lực lớn rồi các Anh ạ! Mà xét cho cùng, không bao giờ và không thể nào đền đáp nổi sự hy sinh của các Anh. Chỉ dám nguyện rằng, góp phần nhỏ bé của mình cùng con cháu làm cho dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ thực sự, nhưng cốt lõi lại là từ cái “Tâm” và cái “Tầm” ở mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là ở tầm Vĩ mô. Đó có lẽ cũng là điều trăn trở nhất của các Anh nơi chín suối.
Trên đường đi Lao Bảo, trên xe có một tình tiết gây cười, nhưng là tiếng cười trong nước mắt, số là khi đi thăm từng mộ liệt sĩ, (cũng là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi, so với bạt ngàn những ngôi mộ ở đây), anh Quí tìm thấy một ngôi mộ đồng đội, bèn điện về cho bạn cùng chiến đấu với liêt sĩ này: mày ơi! tao tìm thấy thằng Lê Đắc Thúc ở Nghĩa trang Trường sơn rồi!, giọng đầu dây bên kia cất lên mừng rỡ : thế à! thế nó có khoẻ không? Cả xe cười ồ lên theo phản xạ tự nhiên, nhưng rồi tiếng cười đột ngột tắt ngấm đi nhanh chóng, để lại một không gian yên tĩnh trong sự trầm mặc. Chúng tôi không đủ thời gian đi thăm Nghĩa trang Đường 9, nhưng trước chuyến đi, bạn tôi đã tặng đoàn đoạn thơ về địa danh này :
“ Có những lá thư trong Nghĩa trang Đường 9
Dòng chữ rưng rưng mang nặng lời thề
Sau chiến tranh người lính không về
Trang giấy mỏng làm chứng nhân Lịch sử
Có bạn mình ghi tên vào tấm bia dã chiến
Lời dặn dò năm tháng quê hương
Nơi hy sinh ở tận chiến trường
Ngày hoà bình nhớ đưa về quê nhé…”
Xe chúng tôi bắt đầu tăng độ dốc lên Miền Tây Quảng Trị, anh Cao Hiền tức cảnh ngân nga : “sông Ba Lòng bay bổng lời ca…. ,khi đươc cậu Tấn- HDV giới thiệu đây là sông Ba Lòng. Anh Quí bỗng chồm từ băng ghế dưới lên hẳn đầu xe, tay mở nhanh máy camera, mắt dán về phía trước, rồi lại dáo dác đảo sang hai bên, cả xe không ai hiểu gì, bỗng một tấm biển bên trái đường trên vách núi hiện ra : cao điểm 241, hiểu rồi! Đây là chiến trường xưa của anh ấy- Khe Sanh : một địa danh đã đi vào Lịch sử Dân tộc, có lẽ trong đầu anh Quí đang là một cuốn phim quay chậm những hình ảnh những trận đánh ngày đó. Ai mà biết anh ấy đang nghĩ gì? Có thể sau khi im tiếng súng,đã có một cuộc tình tự với một cô gái Vân Kiều nào đó, tại sao không? Ta chiến đấu vì tất cả, trong đó có tình yêu mà! (nhưng yên tâm đi, chúng tôi sẽ giấu bà Hùng vụ này cho). Thấp thoáng bên đường trong khói lam chiều, những mái nhà sàn đơn sơ của đồng bào Dân tộc Vân Kiều. Phải “tâm phục khẩu phục” các nhạc sĩ hồi đó, khi “nịnh” các em Vân Kiều rất hay: “người Vân Kiều cái gì cũng……..”, cánh lính chúng tôi thì chế ra : “người Vân Kiều cái gì cũng trắng….” (vụ này lại phải hỏi anh Quí), nhưng lịch sử cũng không thể phủ nhận đóng góp của bà con Vân Kiều vào đại cuộc chung của Dân tộc.
Cửa khẩu biên giới Việt-Lào đây rồi! Chúng tôi trào dâng một cảm giác thiêng liêng về chủ quyền Dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia, nhưng hoàn toàn yên tâm về một Biên giới - Nơi mà “máu chảy ruột mềm”, nơi “bát cơm sẻ nửa, hạt gạo cắn đôi” thời trận mạc và lúc thiên tai bây giờ của hai Dân tộc. Trung tâm Thương mại Lao Bảo, đảo quanh một vòng, chúng tôi thật sự ngạc nhiên và thất vọng với Trung tâm này, bởi sự nghèo nàn của hàng hoá. Dân Quảng Trị đâu đã giàu đến mức mà 1/3 mặt bằng rộng thênh thang của thời “tấc đất tấc vàng” của siêu thị, lại là Quày rượu, chẳng lẽ dân Quảng Trị lại chỉ suốt ngày uống rượu thôi sao?!! Những vật phẩm mà du khách Sài Gòn- những người chỉ sống bằng đồng lương hưu không bổng lộc mua được, lại là ở chợ biên giới, dân Sài Gòn chắc chắn là giàu hơn dân Quảng Trị,(do hình thế địa lý giao thương thôi),nhưng người ta lại mua hàng ở chợ, ( chợ đâu có được ai bảo trợ), nhưng người ta vẫn thích một giá trị đích thực hơn, bởi đây là thị trường thời cạnh tranh mà. Tôi cũng tranh thủ mua cái áo pull cho vợ, thôi thì may nhờ, rủi chịu, lỡ có bị chê thì cũng là tấm lòng nơi xứ sở, rồi anh Quí mua dép, anh Đoàn cũng vậy, anh Nam, anh Viện thì mua mấy cái áo theo trang phục của các Đại thần thời Nhà Thanh Trung Quốc, mặc cho ngồ ngộ ấy mà! nhưng các anh lại không biết đang “đụng hàng” với các “tỷ phú” gặp thời ở Việt Nam, quen mặc để phân biệt mình là “đại gia”, nhưng lại không biết mình có xứng với trang phục này hay không? Thật là “sự khốn cùng của triết học”, nhưng đổ lỗi cho các Triết gia là một tội lớn, bởi các “quan lớn” ngày nay cứ tự cho phép mình một lối sống như vậy, mà không cần biết mình xuất xứ từ đâu.
Rời Lao Bảo để về với Thành phố Đông Hà. Đáng thán phục với Chính quyền Thị xã Quảng Trị xưa, bởi phía sau những ưu tiên, ưu đãi là những nỗ lực nhọc nhằn để tạo nên một diện mạo của Thành phố Đông Hà hôm nay. Người Quảng Trị ngày nay, trên khuôn mặt của thế hệ đã chịu nhiều đau thương, mất mát, và vẫn đang bươn chải với kế sinh nhai, cùng với thời gian, chỉ còn lại không mấy vết hằn sâu đang được chuyển giao cho thế hệ một thời bình yên, trẻ trung và năng động, mà chúng tôi bắt gặp qua giao tiếp trong Siêu thị, ở quán ăn, hay trong khách sạn. Mai này, chúng tôi sẽ rời Quảng Trị ra đi, nhưng xin nhắn gửi lại một điều : Các em ơi! Các em thừa hưởng một cơ ngơi sau bao tang tóc, nhưng cũng chưa phải là những gì tinh hoa của nhân loại, những gì các em thấy chưa được để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện cháy bỏng của Bác Hồ, thì các em cứ mạnh dạn phá bỏ nó đi, “con hơn cha là nhà có phúc” mà, nhưng vẫn nhớ, đừng quên : ngày nay không còn “giấy rách”nữa, nhưng cũng chưa lành hẳn, mà cho dù một mai có lành hẳn, thì cũng phải giữ lấy “lề” như một đạo lý, một “thuần phong, mỹ tục” của Dân tộc Việt Nam, hài hoà trong nền văn minh nhân loại.
Chúng tôi lại lên đường về với “tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”. Nói “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào sánh được” thì có vẻ cũng hơi bị ngoa, nhưng sau cuộc viếng thăm chùa Thiên Mụ, đoàn chúng tôi sẽ mục kích Cố Đô xem ngoa ở lĩnh vực nào. Sức khoẻ loại “a thường” thì khó lên chùa Thiên Mụ, ấy vậy mà bác Viện, bác Lâm (2 bác cao niên nhất đoàn) cũng cố leo lên, bởi ý chí tâm linh. Cửa Phật ai chẳng muốn đến nương nhờ, cầu an, cầu phúc thì được, nhưng chớ cầu duyên, (cậu Tấn – HDV kể một câu chuyện về một mối lương duyên bất thành khi đôi uyên ương đến cầu duyên tại đây), nhắc chung các bạn trẻ vậy thôi, chứ chúng tôi, những “U60, 70” cả rồi, chẳng cần ai “nâng khăn, sửa túi” làm gì nữa.
Cửa Ngọ Môn - Cửa ải quyền lực đầu tiên của 13 Vua và 9 Chúa của Triều Nguyễn vẫn phảng phất phong cách kiến trúc của các triều đại”1000 năm Bắc thuộc”. Điện Thái Hòa- Nơi ngự trị của quyền uy tối thượng, nơi các Đấng Quân vương quyết định vận mệnh của xã tắc. Những chiếu chỉ ban ra tuỳ thuộc vào độ anh minh và tính độc lâp, chủ quyền thật sự, mà có hệ quả khác nhau, nhưng không mâu thuẫn với kiến trúc. Đó là 80 cột bằng gỗ lim lực lưỡng sơn son thếp vàng chạm khắc rồng bay phượng múa để nối tiền Điện với hậu Điện bằng một Trung lưu thừa- một cấu trúc uy nghi thể hiện tính bền vững của một Triều đại. Những tái hiện Lịch sử cảnh buổi thiết Triều hay những sinh hoạt giải trí của các vị Vua Chúa khá thú vị. Điều khác biệt độc đáo nhất của Vương triều Huế là ở vị Hoàng đế cuối cùng - Bảo Đại: Ngài đã sắc phong cho Bà Nam Phương làm Hoàng Hậu chỉ 4 ngày sau hôn lễ và cho phép Bà được lui tới Điện Thái Hoà - một phép tắc chưa hề có tiền lệ trước đó của 12 vị Tiên Đế của Ngài. Lý giải cho việc làm “liều mạng” này như ai cũng biết, là Ngài đã từng du học sang “mẫu” quốc Pháp từ năm 13 tuổi, một vị vua “tây” mà, cái chất Nho giáo và Khổng giáo đã mai một đi ở Ngài khá nhiều. Phải yêu quý Lịch sử và xứ Huế lắm chúng tôi mới leo lên được lăng Vua Khải Định, bởi Ngài toạ lạc có lẽ là cao nhất của cố đô Huế. Quy mô công trình đủ nói lên hết quan niệm của người Á Đông: sinh là tạm, thác mới vĩnh hằng. Đường nét kiến trúc mang phong cách cổ-kim, Á-Âu kết hợp, chi phí chắc là kỷ lục và tiến độ xây dựng chắc chắn là kỷ lục so với lăng tẩm thời đó rồi: 11 năm.
Chúng tôi không có nhiều cơ hội để chiêm ngưỡng cảnh quan Huế, nhất là về đêm, nhưng những sông Hương, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ…và quy hoạch, kiến trúc hài hòa giữa cổ kính và hiện đại, đặc biệt mật độ dân cư, sinh hoạt của một thành phố thời thị trường thì quả là “danh bất hư truyền”. Tiếp xúc ngắn ngủi với cư dân Huế, nhưng cũng phần nào thấu hiểu được tâm trạng của những “Học trò trường Bưởi vô thi, thấy cô gái Huế bỏ đi không đành”,có lẽ bỏ đi không đành không hẳn là cô ấy quá đẹp về nhan sắc, mà……. … Nói tóm lại, thì về tổng quan, ca từ bài hát ‘Huế thương”cũng không ngoa mấy.
Đoàn rời Cố đô về Thủ phủ Miền Trung, vì chúng tôi có hẹn với đêm pháo hoa Quốc tế “lung linh sông Hàn”
Trên12 khán đài bên bờ sông Hàn là một biển người, đêm Hội Non sông mà, lại còn niềm tự hào riêng của người dân Đà Nẵng nữa chứ. Pháo hoa thì cũng chẳng lạ gì, nhưng khác ở chỗ là, trước chỉ được nhìn nó trên trời, gần hết cuộc đời mải “cuốc bẫm cày sâu”, đâu nghĩ có ngày được nhãn quan cái trò “xa xỉ” giữa một không gian đêm sông nước huyền ảo này. Những bụm laze bung ra trong màn đêm với muôn vàn sắc màu và tầng lớp những hình ảnh tinh xảo đan xen mà không một bức tranh nào trong phạm vi vật thể, thể hiện hết được. Để biểu cảm sự tuyệt vời của nghệ thuật chỉ có thể là những âm thanh ồ lên và những tràng pháo tay của khán giả mỗi khi xuất hiện trên bầu trời một màn hoa ấn tượng, như hình chữ “S” nước Việt Nam, hay hình những trái tim lãng mạn. Cảm ơn người Ý đã cho chúng tôi một đêm đầy cung bậc cảm xúc. Thật là : “Đà Nẵng pháo hoa rơi, lung linh sông Hàn gọi”
Đêm pháo hoa rồi cũng khép lại. Thành phố biển về đêm đã được ông mặt trời trả lại cho cái mát mẻ, đường phố Đà Nẵng có lẽ đỡ nhọc nhằn hơn Sài Gòn về giao thông, và người lưu thông cũng cảm thấy yên tâm hơn về tính mạng,tầm mắt nhìn cũng không bị nhấp nhô, vì cao độ và hình khối của nhà cửa khá bằng phẳng và trật tự, đặc biệt, hàng rong, vé số, ăn xin là chuyện lạ bây giờ ở Đà Nẵng. Bán đảo Sơn Trà núi nhìn ra biển, cái khác người ở đây là Đức Phật Bà toạ trên đỉnh núi, ngoài vẻ đẹp cảnh quan, còn có một ý nghĩa tâm linh khác, đó là khi các lương dân quỳ dâng hương đăng, xin được xoá sạch bụi trần, Ngài độ lượng từ bi cứu rỗi với tấm lòng mênh mông như biển khơi vậy. Chúng tôi xuống núi và lên đường hồi hương. Hẹn gặp lại nhé Đà Nẵng ơi!
Lại quay về với quê hương người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, xứ sở của dừa, dừa san sát ôm ấp những làng quê yên ả, thanh bình. Bữa cơm tối nay có vẻ ngon miệng hơn nhờ có đặc sản nem Bình Định và rượu Bàu đá, mặc dù nét mệt mỏi đã hằn lên trên khuôn mặt một vài người, bởi một ngày leo núi, ngồi xe, và cái nóng khắc nghiệt của Miền Trung khi thời tiết chuyển mùa. May mắn cho chúng tôi lần trở lại này đúng vào chủ nhật, nên công viên nhạc nước làm việc, thế là một số người còn “pin” lại có “máu me khám phá” được đi xem và ngắm cảnh thành phố Quy Nhơn.
“Nha Trang ơi mùa thu lại về…” ,nhưng chúng tôi về vào mùa hạ lại hay hơn, vì lại được ôm sóng biển vào lòng lần cuối, rửa sạch bụi đường của hành trình dài ngày này. Có mấy “phu nhân” của mấy anh trong đoàn mừng như bắt được của, vì có cơ hội đổi lại mấy chuỗi ngọc trai mua lượt đi mà các chị cho là “dổm”, đổi xong rồi thì anh “Bình mốc” lại dội một gáo nước lạnh, khi giải thích: Theo tư duy thị trường thì chính hàng mua lúc đầu mới là hàng thật, vì người bán lo khách hàng có cơ hội mang hàng đi thử, còn bây giờ thì các bà tin rồi, thế là bà nào bà nấy mặt ngắn tũn, “bố” Bình thế mà “ác”.
Lại một pha gây cười, số là khi tôi cần gọi Lễ tân khách sạn để yêu cầu một việc cho phòng nghỉ, nhưng không ai trả lời, nhân có Tấn – HDV ở phòng, Tấn bảo để cháu xuống gọi cho, lễ tân lên phòng, tôi hỏi, sao gọi không được, cô gái bảo: chú gọi “be 01”, tôi ngớ người vẻ căng thẳng, miệng lẩm bẩm: ủa, trên bàn phím ĐT làm gì có chữ cái? Bê thì bấm vào đâu ta, cô gái mặt biến sắc, liếc sang, thấy anh Bình tủm tỉm cười, tôi chợt hiểu “be” là gì, (số phòng của chúng tôi là 301), tôi cố bấm bụng để không bật ra tiếng cười và nói nhanh : thôi được rồi, cháu xuống đi, cảm ơn. Lúc này thì cả phòng không thể kìm được nữa, phá lên cười hết cỡ. Tôi đã tự nhủ mình, từ Nha Trang trở ra đến Đà Nẵng, nói “ba”=”be”, nhưng khi gặp tình huống thật lại quên, cười nhưng lại áy náy là bị hiểu nhầm, chế diễu tiếng địa phương.(tản mạn tý cho vui)
Hôm sau chúng tôi khởi hành sớm, ai cũng muốn về nhà nhanh mà! Nhưng qua Phan Rang cũng phải mua ít đặc sản địa phương làm quà: quê hương của nho, tỏi Ninh Thuận, rượu nho, mật nho... Qua Phan Thiết, không ngờ sức mua của đoàn vẫn còn mạnh mẽ thế, nhưng mặt hàng mua chính của các “đấng mày râu” là thực phẩm để “nịnh” các bà nội trợ. Chúng tôi khép lại chuyến đi với nhau bằng bữa cơm trưa, li rượu lúc này lại càng có ý nghĩa hơn, li rượu cảm ơn chân thành Nhà xe đã cho đoàn một chuyến đi an toàn, cảm ơn HDV Tấn đã nhiệt tình chuyển tải những thông tin thú vị về những Di sản của Đất nước (sẽ cảm ơn Lãnh đạo Cty 45.1 sau), li rượu tạm chia tay, cầu chúc cho nhau sức khoẻ, bình an, vui vầy cùng con cháu, an hưởng tuổi già để có ngày (tái nạm), à quên, tái ngộ với đầy đủ thành phần này. Ai còn tiếp tục sự nghiệp thì chúc cho trọn vẹn để hạ cánh “an toàn”, sớm hội nhâp với chúng tôi. Với chúng tôi bây giờ, đây là những lời chúc Vàng.
Nhân kết thúc tốt đẹp chuyến đi, anh Nguyễn Quang Hào – PTGĐ-CTCĐ tặng đoàn mấy câu thơ :
" Chuyến đi này đất nước mình đẹp quá!
Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng cái
Đất nước ta đang tưng bừng hội trải
Vui lên nhé! hẹn chúng mình gặp lại
Vẫn một “thời hoa lửa” đẹp như xưa
Tạm biệt nhé! tạm biệt!!! Hẹn gặp lại!!!"
(Ghi chép tản mạn dọc đường, có điều chi sơ suất, xin được lượng thứ)
Phạm Minh Châu