Sáng 26/3, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đưa vào sử dụng khu di tích Thái Bình Lâu (Đại nội Huế) sau 4 năm trùng tu. Đây là nơi các vua triều Nguyễn đọc sách, vãn cảnh.
Bên trong Thái Bình Lâu, nơi được các vua triều Nguyễn chọn để nghỉ ngơi, vãn cảnh. Ảnh: Đắc Đức.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết Thái Bình Lâu là công trình kiến trúc quan trọng xây dựng từ năm 1887 dưới thời vua Đồng Khánh, được tôn tạo từ năm 1919 đến 1921 dưới thời vua Khải Định. Đây là nơi dành để các vua triều Nguyễn nghỉ ngơi, đọc sách, vãn cảnh.
Sau thời gian bị xuống cấp nghiêm trọng, năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo cụm di tích Thái Bình Lâu với việc phục hồi cấu kiện gỗ bộ khung, hệ mái, mái ngói âm dương, mái ngói liệt, nền gạch, sơn quang cấu kiện... cùng nhiều hạng mục khác với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.
Trong ngày 26/3, triển lãm với chủ đề "Sự hồi sinh của Di sản Huế" trưng bày hơn 100 bức ảnh tư liệu về những công trình trong quần thể di tích Huế, được chụp trong từ giai đoạn lịch sử, chiến tranh cho đến khi được phục hồi nguyên trạng cũng được giới thiệu đến công chúng.
"Triển lãm là dịp để thế hệ trẻ, nhìn lại chặng đường hồi sinh của di sản Huế, vươn lên từ đổ nát, tro tàn để tiếp tục tỏa sáng trong thời đại mới", ông Phan Thanh Hải chia sẻ.